CÔ ĐINH HẢI YẾN: NGƯỜI GIÁO VIÊN “LÀM VIỆC NHỎ VỚI TRÁI TIM LỚN”

Chuyên mục gương mặt ULIS trên website của trường vừa có bài đăng về cô Đinh Hải Yến (tại địa chỉ http://ulis.vnu.edu.vn/blog/co-dinh-hai-yen-nguoi-giao-vien-lam-viec-nho-voi-trai-tim-lon/) với nhiều tình cảm và sự kính trọng. Xin phép được đăng lại nguyên văn bài viết này để lưu giữ lại trên website  của Khoa ta những tình cảm nguyên vẹn của người viết, cũng là những cựu sinh viên và đồng nghiệp của cô Đinh Hải Yến. (Vũ Hải Hà)

Cô Đinh Hải Yến: Người giáo viên “làm việc nhỏ với trái tim lớn”


Với lịch sử thành lập hơn 60 năm, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã là nơi làm việc của bao thế hệ giảng viên tài năng, nhiệt tâm với nghề và với trò. Trong số đó, có một người đã gắn bó cả cuộc đời dạy học với nơi này, bằng nửa số tuổi ngôi trường ra đời và phát triển, mà mới đây thôi đã rời xa trường, bước vào giai đoạn nghỉ ngơi sau bao năm tận tâm cống hiến và để lại bao tiếc nuối cho các đồng nghiệp, học trò. Đó là cô Đinh Hải Yến, cựu giảng viên Khoa Sư phạm Tiếng Anh. 

Con đường “bén duyên” với ULIS

Sinh ra trong thời điểm chiến tranh, cô Đinh Hải Yến đã xa cha mẹ ở miền đất kiên cường Nghệ An để ra Hà Nội sống cùng ông nội từ khi mới tròn hai tuổi. Hoàn cảnh đã giúp cô sớm học được cách tự lập, tự làm chủ cuộc đời mình. Qua năm tháng, tình yêu của cô dành cho tiếng Anh ngày một lớn dần. Đến khi tốt nghiệp cấp 3, ở cái thời mà “định hướng nghề nghiệp” còn là một khái niệm mơ hồ, cô Yến đã lựa chọn Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (tên của ULIS lúc bấy giờ) để làm nơi khởi đầu thỏa mãn đam mê với tiếng Anh của mình.

2016-12-28_20-18-55

Cô Đinh Hải Yến với nụ cười dịu dàng được rất nhiều thế hệ sinh viên yêu mến

Chỉ cho đến khi đi thực tập sư phạm ở trường phổ thông trong hai năm cuối cùng của thời sinh viên, được tiếp xúc với học sinh và các tình huống sư phạm thực tế, tình yêu với nghề sư phạm mới nảy nở trong cô và từ đó đã trở thành động lực trong cuộc sống của cô .

Lúc đó, mình mới nhận ra mình cũng có tố chất làm giáo viên, ý thức được đây là nghề dành cho mình và bắt đầu thấy yêu mến nghề giáo. Nghề đã chọn mình như thế đấy”, cô chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học với danh hiệu Thủ khoa, cô được giữ lại trường và được cử đi học lớp đào tạo giảng viên chính trị tại Trường Tuyên huấn Trung Ương 1 (nay  là Học viện Báo chí và Tuyên truyền).  Từ năm 1987, cô bắt đầu làm việc tại Trường với vai trò là giảng viên Triết học (Bộ môn Mác-Lênin). Năm 1992, cô chuyển sang công tác giảng dạy Tiếng Anh tại Khoa Tiếng Anh (bây giờ là Khoa Sư phạm Tiếng Anh) cho đến lúc về hưu.

Quan điểm về nghề giáo

Những đồng nghiệp và sinh viên đã từng làm việc cùng cô Yến đều biết một câu nói của Mẹ Teresa mà cô Yến rất thích và luôn coi đó như là một châm ngôn, một nguyên tắc hành động trong suốt cuộc đời dạy học của mình: “Not all of us can do great things. But we can do small things with great love.” (Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm những điều vĩ đại nhưng mỗi người đều có thể làm những việc nhỏ với tất cả trái tim mình). Với cô, một trong những điều nhỏ bé nhưng không kém phần ý nghĩa mà mỗi giáo viên đều có thể làm là khơi gợi niềm cảm hứng, tạo ra động lực tích cực cho học trò để các em nhận ra con đường mình thực sự muốn đi và có thể vạch ra kế hoạch hành động dài hạn và ngắn hạn một cách hiệu quả nhằm đạt được mục đích của cuộc đời mình.

Theo đó, để có thể giúp sinh viên chuẩn bị hành trang vào đời như những người trẻ tự tin, có năng lực, có nhân cách, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng thì ngoài việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, vai trò người thầy – người truyền cảm hứng, thể hiện qua việc định hướng, hỗ trợ, tư vấn…về mặt tinh thần là vô cùng quan trọng. Những việc làm vô cùng đơn giản như đưa ra một lời khuyên, một lời động viên hay gợi ý đúng lúc, chia sẻ một thông điệp ý nghĩa… sẽ làm lay động trái tim, khơi dậy lòng tự tôn, khát khao và mong muốn làm những điều tốt đẹp. Điều đó chắc chắn sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động của sinh viên.

15657994_1167488816670471_1213697423_oCô Yến luôn tâm niệm: “Giáo dục giá trị là một việc quan trọng trong giáo dục nhân cách và thế giới quan cho thế hệ trẻ, đặc biệt trong môi trường sư phạm đào tạo các thầy, cô giáo tương lai”. 

Nhận thức sâu sắc vai trò đó của mình, trong những năm cuối của sự nghiệp, cô Yến đặc biệt quan tâm đến giáo dục giá trị và kỹ năng sống cho sinh viên. Cùng với các đồng nghiệp trẻ ở Bộ môn Chất lượng cao nói riêng và Khoa Sư phạm tiếng Anh nói chung, thông qua các hoạt động học tập trong và ngoài lớp học, các bài tập, các buổi nói chuyện với sinh viên trong các hoạt động ngoại khóa, cô và đồng nghiệp đã giúp khơi gợi, hình thành và phát triển cho sinh viên tư duy phản biện, thái độ sống tích cực, tinh thần lạc quan, sự tự tin, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp,…

Tất cả những giá trị và kỹ năng sống này là vô cùng cần thiết, chúng không chỉ là hành trang cần có để vào đời của các em mà chúng sẽ đồng hành cùng các em trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình”, cô nói.

Cô Yến cũng thường xuyên chia sẻ với các giáo viên trẻ của khoa Sư phạm Tiếng Anh những kinh nghiệm giảng dạy cũng như cách xử lý các tình huống sư phạm của mình trong việc lồng ghép giáo dục giá trị vào giảng dạy Tiếng Anh thông qua các buổi bồi dưỡng, tọa đàm dành cho giáo viên trẻ.

Sự lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp phải được thể hiện trước hết qua việc làm gương và những hành động cụ thể của giáo viên, trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống. Sinh viên thường ngưỡng mộ những thầy, cô giáo mà họ yêu mến, kính trọng và tin cậy và mong muốn trở thành những người giống như thầy/cô của mình. Vì thế, lòng nhiệt huyết, tận tụy với nghề, với trò, thái độ nghiêm túc đối với công việc, tính công bằng, sự tôn trọng của giáo viên đối với sinh viên,… bản thân nó đã có sức thuyết phục và sức lan tỏa,  từ đó sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực trong suy nghĩ, nhận thức của các cá nhân và trong cộng đồng. Giá trị nhân văn của giáo dục nằm ở những điều giản dị nhưng ý nghĩa như thế”, cô Yến chia sẻ.

Một sự nghiệp không có gì phải nuối tiếc

ULIS là nơi cô Yến đã gắn bó hơn nửa cuộc đời mình. Từng hàng cây, lớp học, ghế đá nơi sân trường đều đã in bóng những kỷ niệm của cô ở đó. Chia sẻ cảm xúc về sự nghiệp của mình, cô Yến xúc động tâm sự, cả đời mình, điều khiến cô tự hào nhất là được trưởng thành tại mái trường ĐHNN, được làm học trò của nhiều thế hệ thầy, cô và các anh, chị đi trước vừa giỏi nghề, đức độ, vừa tâm huyết, được là đồng nghiệp của các bạn trẻ giỏi giang và năng động. Với cô, ULIS là một ngôi trường có môi trường học tập và làm việc thực sự lành mạnh, có tập thể lãnh đạo qua các đời đều tâm huyết, có nhân cách đáng kính trọng và có tầm nhìn. Các cán bộ, giảng viên luôn yêu thương, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ cho nhau, cùng nhau tạo dựng một gia đình thứ hai đích thực cho mỗi người.

Sau 30 năm công tác tại trường cho đến lúc nghỉ hưu, cô cảm thấy không có điều gì phải nuối tiếc vì đã sống và làm việc, từ những điều nhỏ nhất, với tất cả trái tim mình. Rất nhiều thế hệ sinh viên, trong đó có những người đã bước vào tuổi trung niên vẫn luôn nhớ về cô giáo cũ của mình với những kỷ niệm và tình cảm ấm áp. Dưới đây là một vài cảm xúc của sinh viên cũ (nay là đồng nghiệp tại Khoa Sư phạm Tiếng Anh) dành cho cô Yến nhân ngày 20/11 mà người viết đọc được trên Facebook của cô:

2016-12-26_21-47-57

Kỷ niệm của cuộc đời dạy học thì có rất nhiều nhưng đối với cô Yến, điều khiến cô xúc động và trân trọng nhất là trong buổi lễ trang trọng và ấm cúng tiễn các thầy, cô giáo về hưu, Khoa Sư phạm Tiếng Anh đã tặng cô một cuốn hand-made album trong đó lưu giữ những hình ảnh, những lời nhắn gửi của các đồng nghiệp và học trò. Đây là món quà đã được các đồng nghiệp của cô chuẩn bị trong nhiều tháng và là một tặng phẩm vô giá với người giảng viên còn nặng lòng với nghề, với sinh viên này.

Mắt mình nhòe ướt khi lần giở từng trang của cuốn album… Những kỷ niệm, những gương mặt thân quen, những dấu ấn của những ngày chưa xa hiển hiện trước mắt mình như một cuốn phim quay chậm… Lòng mình ào ạt cảm xúc và mình thấy thực sự hạnh phúc. Giờ phút này mình đã có thể tin rằng triết lý sống “Từ Tâm” (làm mọi việc xuất phát từ trái tim) mà mình lựa chọn và theo đuổi suốt mấy chục năm qua, là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình là hoàn toàn đúng đắn. Khi trao đi yêu thương ta sẽ nhận lại thương yêu, và hơn thế nữa. Rất nhiều.

Người ta vẫn gọi nghề giáo là nghề chở đò. Theo nghĩa đó, mình là một người lái đò hạnh phúc. Và mình biết ơn Đời, ơn Người về biết bao yêu thương mình đã nhận được trong suốt hơn ba mươi năm qua, dù đơn giản mình chỉ là một người lái đò thầm lặng, lẫn trong muôn triệu người có mặt trên trái đất này”, cô Yến tự hào viết trên Facebook của mình.

Lời tri ân chân thành

Trong dịp trở về trường để thực hiện cuộc phỏng vấn này, cô Yến trân trọng nhờ ULIS Media gửi lời tri ân chân thành tới mái trường ULIS, nơi từ đây tất cả các thành viên trong gia đình nhỏ của cô đã trưởng thành, nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời dạy học, nơi cô đã luôn luôn được là chính mình, được phát huy đến mức cao nhất năng lực của bản thân để có thể cùng với đồng nghiệp, làm những điều tốt nhất cho công việc và cho sinh viên. Cô cũng gửi lời cám ơn sâu sắc tới Ban Lãnh đạo nhà trường, các thế hệ thầy, cô và anh chị đi trước, đồng nghiệp, bạn bè, học trò của ULIS đã luôn ở bên động viên, chia sẻ, tạo điều kiện cho cô hoàn thành nhiệm vụ của mình:

Xin cám ơn ULIS rất nhiều. Tôi rất yêu mái trường này và sẽ mãi mãi khắc ghi niềm tự hào được là một thành viên của ULIS. Nếu được sống một cuộc đời nữa, tôi cũng chỉ mong muốn lại được làm giảng viên của Khoa Sư phạm Tiếng Anh, lại được trở thành thành viên của ngôi nhà chung ULIS.

Nhân dịp năm mới, xin kính chúc tập thể lãnh đạo Nhà trường, các đồng nghiệp và các em sinh viên mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục đạt được những thành công mới, đưa Nhà trường phát triển lên tầm cao mới, khẳng định vị thế là trường ngoại ngữ đầu ngành của cả nước.”

Nguyễn Thủy – Việt Khoa/ULIS Media

FacebookTwitterGoogle+