Inset Tổ PPGD: Các mô hình dự đoán hiệu quả của các hoạt động dạy và học từ vựng: Mô hình nào cho kết quả dự đoán chính xác nhất?

Inset Tổ PPGD, tháng 11 năm 2023

 Tóm tắt nội dung

Một câu hỏi mà các giáo viên ngoại ngữ thường đặt ra trong các buổi sinh hoạt chuyên môn là dạy và học từ vựng như thế nào cho thực sự hiệu quả đối với người học. Bên cạnh các trải nghiệm cá nhân, thì câu trả lời cho câu hỏi trên có thể tìm thấy từ kết quả của các nghiên cứu trước. Tuy nhiên, các nghiên cứu này lại thường chỉ tập trung vào một hoặc một vài các biến đơn lẻ như biến truy xuất nghĩa của từ (retrieval) hay biến dùng từ trong giao tiếp thật (generation), mà chưa hệ thống hoá các biến này thành một tổ hợp các điều kiện hỗ trợ hoạt động dạy và học từ vựng, từ đó giúp giáo viên lựa chọn, thiết kế và triển khai các hoạt động này ở trên lớp tốt hơn. Nhận thấy nhu cầu này từ phía giáo viên, một số các nhà nghiên cứu như Laufer và Hulstijn (2001), Yanagisawa và Webb (2021) và Nation và Webb (2011) đã xây dựng ba tổ hợp các điều kiện hỗ trợ hoạt động dạy và học từ vựng và đặt tên chúng lần lượt là mô hình Involvement Load Hypothesis, Involvement Load Hypothesis Plus, và Technique Feature Analysis. Tuy nhiên, một câu hỏi mới nảy sinh ở đây là vậy trong ba tổ hợp nêu trên, tổ hợp nào dự đoán tốt nhất cho hiệu quả dạy và học từ vựng trên thực tế.

Nghiên cứu hiện tại đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Thông qua thực nghiệm trên lớp học thực, nghiên cứu này đo lường mức độ học 10 từ vựng không có thật trong tiếng Anh (nonwords) thông qua ba hoạt động dạy và học từ vựng với các tổ hợp điều kiện học tập khác nhau, đó là: (a) hoạt động đọc hiểu và dùng các từ vựng nêu trên để điền vào chỗ trống (n = 63), (b) hoạt động dùng từ để tạo câu (n = 66), và (c) hoạt động dùng từ để viết đoạn văn (n = 67). Hiệu quả của ba hoạt động này được đo lường thông qua bài kiểm tra truy xuất nghĩa của từ trước khi tiến hành thực nghiệm hai tuần (pretest), ngay sau khi thực nghiệm (posttest) và sau khi thực nghiệm hai tuần (delayed posttest). Nhóm đối chứng (n = 21) chỉ tham gia ba đợt kiểm tra nêu trên, mà không tham gia thực nghiệm. Kết quả chỉ ra rằng cả ba nhóm thực nghiệm đều học từ vựng tốt hơn so với nhóm đối chứng. Cụ thể: Nhóm viết đoạn (c) học được nhiều từ vựng hơn so với nhóm viết câu (b); nhóm viết câu (b) cũng học được nhiều từ vựng hơn so với nhóm đọc hiểu và điền từ (a). Cả ba tổ hợp nêu trên đều có khả năng dự đoán cho kết quả học từ vựng, nhưng tổ hợp Technique Feature Analysis của Nation và Webb (2011) dự đoán tốt nhất cho hiệu quả học tập ngay sau thực nghiệm (lexical uptake) và tổ hợp Involvement Load Hypothesis của Laufer và Hulstijn (2001) dự đoán tốt nhất cho hiệu quả học tập sau thực nghiệm hai tuần (lexical retention). Dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu này, tôi sẽ đưa ra một vài khuyến nghị cho việc lựa chọn, thiết kế và triển khai hoạt động dạy, học cũng như nghiên cứu từ vựng.

 

Báo cáo viên

Báo cáo viên Nguyễn Chí Đức nghiên cứu chuyên sâu về thụ đắc ngôn ngữ thứ hai, đặc biệt về mảng thụ đắc từ vựng và ngữ pháp thông qua các hoạt động giao tiếp thực. Kết quả của các nghiên cứu này đã được xuất bản trên một số tạp chí quốc tế như TESOL Quarterly, Language Teaching Research hay RELC.

 

 

FacebookTwitterGoogle+