Bồi dưỡng chuyên môn – bộ môn Phương pháp Giảng dạy Ngoại ngữ

Đã thành thông lệ, thứ 6 hàng tuần trong tháng 3 được Bộ môn Phương pháp giảng dạy, Khoa Sư phạm tiếng Anh dành cho chuỗi sinh hoạt chuyên môn. Buổi bồi dưỡng chuyên môn lần này do Báo cáo viên là cô Phạm Thị Thanh Thuỷ thực hiện với chủ đề “vài kinh nghiệm cá nhân khi dạy các bài hát trong SGK tiếng Anh cấp Tiểu học nhằm đạt hiệu quả tốt hơn” (Adapting songs in textbooks for more effective teaching of English to primary school pupils in Vietnam). Buổi bồi dưỡng diễn ra tại Phòng 207B2 từ 8:30 đến 11:30 sáng ngày 10/3/2023 với sự tham gia của đầy đủ các thành viên Bộ môn PPGD, với nhiều tiếng cười, niềm vui, nhiều kiến thức bổ ích, và những trao đổi học thuật giá trị.

1

Trong vai trò là người dẫn dắt hoạt động SHCM, cô Phạm Thị Thanh Thuỷ đã đưa người tham dự qua 3 nội dung chính: Tổng quan lý thuyết về điều chỉnh ngữ liệu dạy học nói chung và dạy tiếng Anh qua bài hát, bài vè nói riêng; Những khó khăn mà giáo viên và học sinh tiểu học gặp phải khi sử dụng bài hát được viết và thu âm sẵn của SGK; Cách điều chỉnh bài hát bài hát trong SGK tiếng Anh tiểu học. Mỗi nội dung đều được triển khai theo mô hình Trải nghiệm – Thảo luận – Tổng kết, đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc trực tiếp với GVTA Tiểu học và SGK tiếng Anh của cô Thuỷ.

2

Sau phần khởi động sôi nổi bằng trò chơi đoán tên bài hát, cô Thuỷ tóm tắt những điểm thay đổi chính trong Chương trình GDPT mới, đồng thời nhấn mạnh lý do sử dụng bài hát trong lớp học ngoại ngữ (“Âm nhạc giúp học sinh phát triển tư duy phân tích, vì âm nhạc đòi hỏi học sinh phải sáng tạo áp dụng những điều học được vào cuộc sống chứ không chỉ học vẹt những điều được dạy.” Dr. Kenvin Strother.). Cô Thuỷ cũng liệt kê những tiêu chí lựa chọn bài hát để dạy ngoại ngữ, như bài hát cần giúp học sinh học từ và cấu trúc mới trong chương trình, luyện phát âm, trọng âm, ngữ điệu; có lời ngắn gọn, lặp lại để dễ nhớ; giai điệu hay và quen thuộc; và bài hát cần có kết cấu đơn giản để giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, tự thay lời cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Trên cơ sở những tiêu chí này, các thày cô tham dự cùng phân tích một số bài hát trong SGK tiếng Anh 3, 4, 5 thí điểm để tìm ra vấn đề và đề xuất giải pháp. Hai vấn đề chính được đưa ra thảo luận gồm có: bài hát không giúp ôn luyện từ, cấu trúc, âm, trọng âm, hay ngữ điệu học trong bài đó; và bài hát có giai điệu lạ, khó nhớ, khó hát. Các giải pháp được đề xuất là viết lời mới, phổ nhạc mới trên lời cũ, thay nhạc và sửa lời, và thay nhạc + tạo lời mới.

3 4

Cô Thuỷ cùng các thày cô nghiên cứu các bước để viết bài hát mới. Sau đó, các thày cô làm việc nhóm, thử nghiệm viết lời bài hát mới cho hoạt động thực hành cấu trúc “What is she doing?” và từ vựng “drawing, playing the piano, cooking, watching TV” theo giai điệu nhạc quen thuộc với trẻ. Sản phẩm là những bài hát dễ thuộc, dễ hát theo giai điệu Twinkle Little Stars, Chú ếch con, Kìa con bướm vàng…

5 6

Nhiều câu hỏi thảo luận cũng được đưa ra. Cô Kim Phượng đề cập đến việc cần chú ý ngắt nhịp (chunking) sao cho không ảnh hưởng đến trọng âm từ và trọng âm câu. Cô Lan Anh chia sẻ về những khó khăn của tác giả SGK khi viết bài hát vì việc xin bản quyền giai điệu quen thuộc không hề dễ dàng. Cô Nguyễn Thu Hiền cũng đặt ra câu hỏi rằng việc sử dụng giai điệu mới cho bài hát có ảnh hưởng đến nhận thức về ngữ điệu (intonation) của học sinh hay không. Cô Thuỷ và các thày cô khác hoàn toàn đồng tình với những lưu ý trên, đồng thời bổ sung rằng bản chất của bài hát là luôn có giai điệu, giai điệu giúp ghi nhớ từ vựng và cấu trúc lâu hơn, và thường ít ảnh hưởng đến ngữ điệu trong giao tiếp thường ngày. Ngoài ra, để giảm thiểu ảnh hưởng này, giáo viên có thể kết hợp sử dụng bài hát (song) và bài vè (chant) trong hoạt động giảng dạy.

7

Hoạt động thảo luận sôi nổi tiếp tục diễn ra sau mỗi lần điều chỉnh hoặc viết bài hát mới. Nhiều ý kiến được trao đổi, chẳng hạn như giáo viên cần xác định mục đích của bài hát  (để giới thiệu,và/ hoặc luyện tập, củng cố cấu trúc, từ vựng và luyện âm, luyện trọng âm, luyện ngữ điệu…) để viết lời phù hợp; nên lồng ghép những ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày một cách tự nhiên, viết bài hát với nhiều nhân vật, và có câu hỏi – trả lời (như trong hội thoại), hướng dẫn học sinh đổi từ, cá thể hóa bài hát cho phù hợp. Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết, còn tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết nên cần chọn từ phù hợp về trọng âm để luyến láy theo giai điệu mà không ảnh hưởng đến ngữ điệu. Ngoài ra, chú ý lựa chọn giai điệu phổ biến với học sinh, ví dụ như những bài dân ca, giai điệu nursery quen thuộc hoặc những bài hát yêu thích của các em. Giáo viên cũng có thể thông qua bài hát để khéo léo lồng ghép những yếu tố về văn hoá, bình đẳng giới.

8

Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên môn, cô Phạm Thuỷ nhấn mạnh rằng “Để dạy TA cho học sinh tiểu học đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh việc hiểu rõ học đặc điểm của học sinh nhỏ tuổi để có phương pháp giảng dạy phù hợp, GV TA TH cần nắm rõ SGK, biết sử dụng và chỉnh sửa SGK cho phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu dạy học cụ thể.  Như vậy, giáo viên cần chủ động sử dụng SGK như công cụ dạy học (Teach with the textbook), chứ không làm nô lệ cho sách khi dạy mọi thứ trong SGK (Teach through the textbook).

Buổi bồi dưỡng chuyên môn đã thành công tốt đẹp và các thày cô tham dự đều lên kế hoạch áp dụng những nội dung được chia sẻ này trong công tác giảng dạy của mình. Cô Phạm Hà có dự định ứng dụng vào môn Dạy tiếng Anh như là một ngôn ngữ quốc tế. Cô Kim Phượng nhắn gửi cô Phạm Thuỷ vì “cô thay nhạc, chỉnh lời cho các bài hát quá siêu ạ”.  Cô Lan Anh đề nghị “Cô ơi, em vào dạy rồi mà trong đầu vẫn vang giai điệu các bài hát cô giới thiệu sáng nay. Em mong có thêm các buổi chia sẻ như này nữa từ cô ạ. Lần sau cô INSET chúng em về using chants cô nhé.”

8

Thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn này, Bộ môn PPGD mong muốn chia sẻ tới các thày cô, đặc biệt là các thày cô làm công tác bồi dưỡng giáo viên, một kỹ thuật dạy ngoại ngữ hiệu quả cho lứa tuổi tiểu học. Bộ môn PPGD, khoa Sư phạm tiếng Anh cũng xin chân thành cảm ơn các thày/cô trong Khoa mặc dù bận rộn cũng đã ghé qua động viên chúng tôi. Bộ môn rất mong được đón tiếp các thày/cô ở những buổi chia sẻ và tọa đàm sau.

Trần Thị Hiếu Thuỷ

FacebookTwitterGoogle+